Công ty chồng tôi phát động phong trào quyên góp quần áo cũ cho các bé ở vùng cao khi mùa đông về, tôi lấy hết đồ trong tủ của con trai ra để soạn lại. Đang lúc phân loại đồ nào nên giữ, đồ nào nên cho thì thím Năm nhà bên cạnh ẵm cháu sang chơi. Nhìn thấy xấp đồ tôi để riêng cho các bé vùng cao, thím xuýt xoa tiếc rẻ: “Đồ còn mới đẹp thế này cho đi thì uổng quá. Hay con cho thím nhé?”. Nghĩ tình láng giềng, lại nghĩ nhà thím cũng chẳng khá giả gì nên tôi đồng ý ngay: “Thím thích bộ nào cứ lấy”.
Vừa nghe xong, thím Năm liền ướm thử vài bộ lên người cháu rồi tấm tắc khen: “Cái nào cũng vừa, cái nào cũng đẹp. Thím lấy hết được không con?”. Ít khi thấy thím nhiệt tình và hào hứng như vậy nên tôi vui vẻ đồng ý: “Dạ, nếu thím không ngại thì để khi nào con soạn xong thì mang sang cho bé Bo. Sẵn tiện có vài đôi giày mới cu Bin chưa mang lần nào và mấy con thú nhồi bông mới, con cũng để vào chung nhé?”. Thím Năm gật đầu, rối rít cảm ơn rồi thay liền một bộ cho cháu mình. Thằng bé bận vào vừa khít, trông thật đáng yêu.
Thế mà sáng nay, con dâu thím chẳng buồn mở thùng đồ ra xem đã vội từ chối. Khi nghe tôi nói là do thím Năm dặn để cho bé Bo thì chị lại càng tỏ vẻ khó chịu, cau mày nhận lấy như bị ép buộc. Tôi đành “xin lại” với lý do sực nhớ là đã hứa cho một người bạn trước đó.
Đến trưa, thím Năm ẵm bé Bo sang nhà tôi với vẻ mặt áy náy. Mời thím vào nhà, tôi xuề xòa: “Thôi không có gì đâu thím ơi! Chuyện nhỏ mà. Thùng đồ này sáng mai chồng con chở vào công ty góp tay tham gia phong trào với đồng nghiệp”. Thím cười méo xẹo tỏ vẻ hiểu ý. Tưởng như vậy là không còn vướng mắc nào, bỗng một lát sau, thím rụt rè đưa ra bộ đồ hôm qua lấy mặc cho bé Bo: “Con cho thím trả lại bộ đồ. Mẹ thằng Bo nhất quyết không cho con nó mặc đồ cũ của ai hết, dù thím đã nói bộ này còn mới. Con đừng buồn thím nha!”. Tuy hơi bất ngờ nhưng tôi vẫn giữ thái độ nhẹ nhàng: “Dạ, không sao đâu thím. Mẹ nào cũng muốn tốt cho con. Con không trách mẹ bé Bo đâu”. Thấy tôi không giận, thím thở dài thật não nề: “Thật ra đồ của con cho còn xịn hơn cả đồ mẹ thằng Bo mua ngoài chợ. Nhưng mà mẹ nó sợ thằng Bo bị “huông” nên không cho bận đồ cũ của ai hết”. Tôi thắc mắc: “Huông là sao thím?”. Thím giải thích: “Huông là… giả sử thằng Bin nhà con kén ăn, thằng Bo mặc đồ của thằng Bin vào cũng sẽ bị kén ăn…”. Như thấy mình lỡ lời, thím im bặt. Hiểu ra vấn đề, tôi ồ lên cười: “À, thì ra mẹ cu Bo lo như vậy. Không sao đâu thím, có kiêng có lành mà”.
Thím đi về rồi, tôi quay vào nhà mở thùng đồ ra xem lại lần nữa. Nói là đồ cũ nhưng thực chất đa số đều là quần áo con tôi chỉ mặc qua năm bảy lần. Do được giữ gìn cẩn thận nên tất cả đều còn khá mới. Vậy mà tấm lòng của tôi lại bị xa lánh và sợ hãi vì cái “huông” vô hình. Tuy có chút buồn, nhưng khi nghĩ đến những đứa bé trần truồng, lấm lem sống ở vùng cao heo hút, tôi thấy bị từ chối như vậy hóa ra lại hay. Biết chút đồ cũ này không chỉ giữ ấm cho các bé qua mùa đông mà còn sưởi ấm lòng những người mẹ ở vùng cao đó.
BÚT NAM