1. “Anh hào”: chính là viết tắt của “anh hùng hào kiệt”. Đây là nối nói tắt khá phổ biến, chẳng hạn “kinh bang tế thế” thì gọi tắt thành “kinh tế”, “Ngọc Hoàng Thượng Đế” hay “Ngọc Hoàng Đại Đế” thành “Ngọc Đế”…
Anh: tức là tốt, có tài năng, xuất sắc.
Hùng: là con thuộc về giống đực (trái với “Thư” là giống cái, nhu mì), mạnh mẽ, oai phong.
Vì thế mới có “anh hùng”, “anh thư” (nữ), “thư hùng”…
Theo “Hoài Nam Tử”: Trí tuệ hơn vạn người thì gọi là anh, hơn nghìn người thì gọi là Tuấn, trăm người gọi là hào, mười người gọi là kiệt”. Như vậy người ta ghép hào kiệt lại thành cụm từ ám chỉ là kẻ tài trí hơn người.
Thực ra trong thiên hạ nào ai có thể phân biệt được Anh-Tuấn-Hào-Kiệt có đẳng cấp chênh lệch nhau bao nhiêu?
2. “Thư hùng”
“Thư hùng” chính là “mái” (âm) và “trống” (dương) của âm Nôm. Quyết một trận “sống mái” hay “thư hùng” đều có nghĩa như nhau cả.
“Sống” ở đây chính là “trống” (đực) chứ không phải sống (chết). Khi nói rằng quyết đánh nhau đến “sống mái” người ta dễ tưởng tượng ra cảnh chém giết đến “sống chết” và dễ nhầm chữ “sống” ở đây là “sống” trong “sống sót”, “sống chết”.
Chập chập cheng cheng
Con gà sống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưng
(Lưu ý con gà “sống” thiến đây chính là con gà “trống” thiến).
Hầu hết, người ta đều quen dùng “quyết sống mái một phen” nhưng cũng có chỗ vẫn dùng “quyết trống mái một phen” (Từ Điển TV, Hồng Long-Quang Hùng, NXB Hồng Đức, 2008, tr-1018).
Vậy thực ra một “trận sống (trống) mái” là trận gì?
Chúng tôi thì nghĩ đơn giản, “đực”, “cái” vốn là cái vỏ thôi, bản chất của nó vẫn ám chỉ trạng thái đối lập, tương phản của “dương” với “âm”, có nghĩa là đối chọi nhau, phủ nhận nhau và diệt nhau. Mặt khác, “Thư” có nghĩa là giống cái cũng tượng trưng cho “nhu” và “yếu” còn “Hùng” là giống đực cũng tượng trưng cho “cương” và “mạnh”. Từ đó mà thấy thì “Trận thư hùng” là trận so tài mạnh yếu, đối chọi.
Thực ra, “thư hùng” đã xuất hiện trong Sử ký Tư Mã Thiên, chương Hạng Vũ bản kỷ: “愿与汉王挑战,决雌雄” (nguyện dữ Hán vương khiêu chiến, quyết thư hùng) nghĩa là “muốn thách đấu với Hán vương một trận quyết định thắng thua). “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, hồi thứ 31 có đoạn: “誓与曹贼一决雌雄” (thệ dữ Tào tặc, nhất quyết thư hùng), tức là ” thề sống chết một trận với thằng giặc Tào Tháo”.
Ngày nay, cách sử dụng “thư hùng” hay “sống mái” như vậy hẳn nhiên cũng có cái lý riêng của nó.